Ngôn ngữ và văn học Văn hóa Nga

160 nhóm dân tộc sống trên lãnh thổ Nga nói khoảng 100 thứ tiếng. Theo điều tra năm 2002, 142.6 triệu người nói tiếng Nga, kế tiếp là tiếng Tatar với 5.3 triệu người dùng và tiếng Ukraina với 1.8 triệu người dùng. Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức cấp liên bang duy nhất, nhưng Hiến pháp vẫn công nhận quyền sử dụng ngôn ngữ địa phương song song với tiếng Nga tại tất cả nước cộng hòa. Tiếng Nga là ngôn ngữ được sử dụng trên vùng địa lý rộng nhất của lục địa Á Âu và cũng là ngôn ngữ nói Xlavơ được dùng rộng rãi nhất. Tiếng Nga thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, cũng là một thành viên của các ngôn ngữ Đông Xlavơ, cùng với hai thành viên khác là tiếng Bêlarút và tiếng Ukraina (cũng có thể cả tiếng Rusyn). Từ thế kỷ 10 trở về sau, các mẫu văn tự Đông Xlavơ cổ (Nga ngữ cổ) đã được công nhận.

Hơn một phần tư tác phẩm văn học-khoa học trên thế giới được xuất bản bằng tiếng Nga. Tiếng Nga cũng là phương tiện mã hóa và lưu trữ thông tin toàn cầu, với khoảng 60 đến 70% thông tin toàn cầu được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Nga. Tiếng Nga cũng là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc.

Văn học dân gian

Văn học dân gian Nga mới có nguồn gốc từ niềm tin đa thần của người dân Xlavơ xưa kia, mà ngày nay vẫn hiện diện trong văn học dân gian Nga. Anh hùng ca Bylina Nga cũng là một phần quan trọng trong thần thoại Xlavơ. Những bài bylina cổ xưa nhất của Kiev thực ra đa số ra đời ở Bắc Nga, nhất là vùng Karelia, nơi phần lớn thiên anh hùng ca Phần Lan Kalevala cũng được ghi lại.

Nhiều truyện cổ tích và bylina Nga đã được chuyển thể thành phim hoạt hình hoặc phim truyện Nga nhờ công của các đạo diễn nổi tiếng như Aleksandr Ptushko (Ilya Muromets, Sadko) và Aleksandr Rou (Morozko, Vasilisa xinh đẹp). Một số nhà thơ Nga, như Pyotr Yershov và Leonid Filatov, sáng tác rất nhiều bài thơ lừng danh dựa trên truyện cổ tích cổ của Nga, và thi thoảng còn sáng tạo những truyện cổ tích bằng thơ hoàn toàn mới mà sau này được phổ biến rộng rãi (chẳng hạn như Alexander Pushkin).

Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian coi thập niên 1920 là thời kỳ vàng của văn học dân gian Liên bang Xô viết. Chính quyền mới đang vật lộn với việc xây dựng hệ thống chính quyền mới và khắc phục nền kinh tế quốc gia yếu kém, không thể kiểm soát nổi văn học, chính vì vậy việc nghiên cứu văn học dân gian nở rộ. Có hai xu hướng nghiên cứu văn học dân gian chính trong thời kỳ này: trường phái hình thức chủ nghĩa và trường phái Phần Lan. Phái hình thức chủ nghĩa tập trung vào thể thức nghệ thuật của bylina và truyện cổ tích, đặc biệt tìm hiểu cách sử dụng cấu trúc đặc trưng và thủ pháp nghệ thuật thơ ca. Phái Phần Lan quan tâm đến sự liên hệ giữa các huyền thoại của các vùng Đông Âu khác nhau. Học giả phái Phần Lan thu thập khá nhiều truyện từ nhiều nơi khác nhau, và phân tích sự tương đồng cũng như dị biệt với hy vọng lần ra được con đường du nhập của các truyện thiên anh hùng ca này.

Bức tranh Bogatyrs vẽ bởi Viktor Vasnetsov. Ba anh hùng trong thần thoại Nga: (từ trái qua phải) Dobrynya Nikitich, Ilya Muromets và Alyosha Popovich

Khi Joseph Stalin lên nắm quyền và bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất vào năm 1928, chính quyền Liên Xô bắt đầu chỉ trích và kiểm duyệt các nghiên cứu văn học dân gian. Stalin và chính quyền Xô viết trấn áp văn học dân gian vì tin rằng thể loại văn học này hỗ trợ hệ thống Sa Hoàng cũ và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Họ thấy văn học dân gian là dấu hiệu của xã hội Nga lạc hậu - điều mà chính quyền Bolshevik đang cố gắng xóa bỏ. Để giữ các nghiên cứu văn học dân gian dưới tầm kiểm soát và ngăn cản các ý tưởng "không phù hợp' lan tràn trong quần chúng, chính quyền lập ra RAPP - Hội nhà văn vô sản Nga. RAPP tập trung chủ yếu vào kiểm duyệt truyện cổ tích và văn học thiếu nhi, họ tin rằng truyện kỳ ảo và "truyện tư sản bậy bạ" sẽ gây tổn hại đến sự phát triển của công dân Xô viết chân chính. Truyện cổ tích bị loại ra khỏi các tủ sách, trẻ em được khuyến khích đọc sách về tự nhiên và khoa học. Về sau, RAPP đẩy mạnh mức độ kiểm duyệt và trở thành Hội nhà văn Xô viết năm 1932.

Để tiếp tục nghiên cứu và phân tích văn học dân gian, giới nghiên cứu cần chứng minh giá trị của thể loại này với chính quyền cộng sản. Nếu không thì toàn bộ văn học dân gian, cùng với các thể loại văn học khác mà dường như chẳng có ích lợi gì với Kế hoạch 5 năm của Stalin, sẽ không thể trở thành một lĩnh vực nghiên cứu được cấp phép. Năm 1934, Maksim Gorky phát biểu tại Hội nhà văn Xô viết, ông cho rằng văn học dân gian thực tế có thể sử dùng để nâng cao giá trị Cộng sản. Không chỉ giải thích giá trị nghệ thuật của văn học dân gian, ông còn nhấn mạnh rằng các huyền thoại truyền thống và truyện cổ tích thể hiện khuynh hướng cộng sản lý tưởng, đây chính là ví dụ của công dân Xô viết mẫu mực. Văn học dân gian, với những cuộc xung đột bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của lối sống yêu lao động, liên hệ mật thiết đến chủ nghĩa cộng sản bởi lẽ chủ nghĩa cộng sản đáng lẽ đã biến mất nếu không có công sức đóng góp trực tiếp của giai cấp lao động. Đồng thời, Gorky giải thích rằng đặc tính của văn học dân gian biểu lộ tinh thần lạc quan cao độ, và vì vậy, có thể khuyến khích người đọc giữ vững tư duy tích cực, đặc biệt khi cuộc sống của họ thay đổi theo sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản.

Văn học

Bài chi tiết: Văn học Nga

Văn học Nga nằm trong số những nền văn học phát triển và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, với những tác phẩm văn học thuộc hàng nổi tiếng nhất. Lịch sử văn học Nga bắt đầu từ thế kỷ 10. Trong thế kỷ 18, các tác phẩm của Mikhail LomonosovDenis Fonvizin thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của văn học Nga. Đến đầu thế kỷ 19, một truyền thống bản địa mang màu sắc hiện đại đã nổi lên, sản sinh ra những nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại. Thời kỳ này và Thời kỳ Vàng của Thơ ca Nga khởi đầu với tên tuổi của Alexander Pushkin, người được xem là cha đẻ của nền văn học Nga hiện đại, và thường được gọi là "Shakespeare của nước Nga" hoặc "Goethe của nước Nga". Văn học thế kỷ 19 tiếp tục phát triển nhờ các tác phẩm thơ của Mikhail Lermontov and Nikolay Nekrasov, kịch của Aleksandr OstrovskyAnton Chekhov cũng như tác phẩm văn xuôi của Nikolai Gogol, Ivan Turgenev, Leo Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Mikhail Saltykov-Shchedrin, Ivan Goncharov, Aleksey PisemskyNikolai Leskov. Tolstoy và Dostoevsky là những tên tuổi vĩ đại. Nhiều nhà phê bình văn học đã nhận xét, hoặc Tolstoy, hoặc Dostoevsky, là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất mọi thời đại.

Đến những năm 1880, văn học Nga bắt đầu thay đổi. Thời đại của những tiểu thuyết gia vĩ đại đã trôi qua, truyện ngắn và thơ ca trở thành thể loại thống trị nền văn học Nga trong suốt vài thập kỷ sau đó. Giai đoạn này được gọi là Thời kỳ Bạc của thơ ca Nga. Trước đây chủ nghĩa hiện thực chiếm ưu thế, lúc này văn học Nga chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa biểu tượng trong giai đoạn 1893-1914. Những tác giả hàng đầu của thời kỳ này là Valery Bryusov, Andrei Bely, Vyacheslav Ivanov, Aleksandr Blok, Nikolay Gumilev, Dmitry Merezhkovsky, Fyodor Sologub, Anna Akhmatova, Osip Mandelstam, Marina Tsvetaeva, Leonid Andreyev, Ivan Bunin, và Maxim Gorky.

Sau Cách mạng Nga năm 1917thời kỳ Nội chiến Nga, đời sống văn hóa Nga rơi vào hỗn loạn. Một số nhà văn lỗi lạc như Ivan BuninVladimir Nabokov rời đất nước, trong khi đó, một thế hệ mới các nhà văn tài năng cùng nhau gia nhập các tổ chức khác nhau với mục tiêu sáng tạo một nền văn hóa giai cấp công nhân mới và khác biệt, phù hợp với chính quyền Xô viết mới ra đời. Trong thập niên 1920, các nhà văn được hưởng sự đối xử khoan dung. Đến thập niên 1930, cùng với chính sách hiện thực xã hội chủ nghĩa của Stalin, kiểm duyệt văn học bị thắt chặt. Sau khi Stalin qua đời, chính sách kiểm soát văn học đã được nới lỏng. Vào thập niên 1970 và 1980, các nhà văn ngày càng phớt lờ đường lối chính thống. Các tác giả hàng đầu của thời Xô viết là Yevgeny Zamiatin, Isaac Babel, Vladimir Mayakovsky, Ilf và Petrov, Yury Olesha, Mikhail Bulgakov, Boris Pasternak, Mikhail Sholokhov, Aleksandr Solzhenitsyn, Yevgeny Yevtushenko, và Andrey Voznesensky.

Thời Xô viết cũng là thời kỳ vàng của thể loại khoa học viễn tưởng Nga. Ban đầu thể loại này chịu ảnh hưởng từ các tác giả phương Tây, rồi dần dần phát triển cùng với sự thành công của chương trình vũ trụ Liên Xô. Các tác giả như anh em Arkady - Boris Strugatsky, Kir Bulychev, Ivan Yefremov, Alexander Belyaev rất được ưa chuộng lúc bấy giờ. Một chủ đề quan trọng trong văn học nga luôn là linh hồn Nga.

Pushkin
(1799–1837)
Gogol
(1809–1852)
Turgenev
(1818–1883)
Dostoevsky
(1821–1881)
Tolstoy
(1828–1910)
Chekhov
(1860–1904)
Bulgakov
(1891–1940)

Triết học

Một số nhà văn Nga, như Tolstoy và Dostoyevsky, cũng là những nhà triết học lừng danh, trong khi nhiều tác giả khác chỉ đơn thuần nổi tiếng về các tác phẩm triết học. Triết học Nga nở rộ từ thế kỷ 19. Chính những người chống đối tư tưởng Tây hóa, chống lại việc nước Nga đi theo mô hình chính trị và kinh tế phương Tây, đã định hình nên nền triết học thời kỳ đầu. Họ nhất quyết muốn phát triển nước Nga thành một nền văn hóa độc đáo riêng. Nhóm này bao gồm Nikolai Danilevsky và Konstantin Leontiev - những người thành lập nên chủ nghĩa Âu Á (eurasianism).

Trong quá trình phát triển sau này, triết học Nga luôn gắn bó mật thiết với văn học và quan tâm đến sự sáng tạo, xã hội, chính trị và chủ nghĩa dân tộc; vũ trụ và tôn giáo cũng là những chủ đề cơ bản. Những nhà triết học tiêu biểu hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có thể kể đến Vladimir Solovyov, Sergei Bulgakov, Pavel Florensky, Nikolai Berdyaev, Vladimir Lossky và Vladimir Vernadsky. Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Marx thống trị nền triết học Nga.

Trào tiếu Nga

Tính trào tiếu của người Nga một phần quan trọng bắt nguồn từ chính sự dồi dào và linh hoạt của ngôn ngữ Nga, qua đó cho phép họ sáng tạo những cách chơi chữ và kết hợp từ ngữ đầy bất ngờ. Như ở bất kỳ quốc gia nào khác, tính trào tiếu của người Nga gồm nhiều thể thức, từ những lời đùa cợt nhả, những cách chơi chữ có phần ngớ ngẩn cho tới châm biếm chính trị sâu sắc.

Truyện tiếu lâm Nga, đặc trưng phổ biến nhất của tính trào tiếu Nga, gồm những câu chuyện hư cấu ngắn gọn hoặc những mẩu đối thoại châm biếm. Văn hóa tiếu lâm Nga sở hữu hàng loạt thể loại với những nhân vật, bối cảnh cố định và cực kỳ quen thuộc. Hiệu quả đáng kinh ngạc được tạo nên từ nguồn cốt truyện phong phú bất tận. Người Nga thích nói đùa về những chủ đề quen thuộc như ở mọi nơi trên thế giới, có thể là chính trị, quan hệ vợ chồng, hay bà mẹ vợ.

Chastushka, một thể loại thơ ca truyền thống Nga, gồm bốn câu đơn, viết theo luật thơ co-rê (trochaic) với cách gieo vần theo kiểu "abab" hoặc "abcb". Hài hước, châm biếm hoặc có khi đầy mỉa mai, chastushka cũng được chuyển thành nhạc, thường chơi với đàn balalaika hoặc accordion. Cấu trúc ngắn gọn, cứng cáp như này tương đương với thể loại thơ hài hước năm câu limerick. Cái tên chastushka bắt nguồn từ một từ Nga части́ть, có nghĩa là "nói nhanh".